ẢNH HƯỞNG CỦA ÂM NHẠC (1)
Ảnh Hưởng của Âm Nhạc
Âm nhạc đẹp đẽ có thể cứu rỗi, âm nhạc xấu xa, thấp kém có thể làm hư hỏng con người, điểu ấy cho ta biết ảnh hưởng âm nhạc to lớn là dường nào. Nhạc sinh ra ảnh hưởng mạnh mẽ, thấu nhập vào hào quang mọi sinh vật trong vòng ảnh hưởng, khêu gợi nên hồi đáp tương ứng, và trong một số trường hợp, khuấy động tình cảm và trí não người nghe. Những đường lực hùng mạnh đi từ nguồn âm thanh vào hào quang người, tạo ra đáp ứng về thể chất, tâm tình và trí tuệ. Ngoài ra cũng phải kể đến ảnh hưởng của nhạc trên cả thiên nhiên.
Bài hát do ca sĩ trình bày hay bản nhạc do nhạc sĩ dạo đàn phát ra những giải lực họặc tốt lành, trung tính hoặc có hại lên thể người nghe. Cử tọa hoặc nẩy sinh lòng ao ước, yêu mến thiên nhiên, hay có dục vọng thấp kém; lực kích thích các luân xa tương ứng và cơ quan trong thể xác con người. Loại nhạc thuận hòa, vui tươi sinh ra niềm hân hoan và nâng cao con người, ảnh hưởng vào phần trên của hào quang là các luân xa tim, cổ họng, đầu, lên tới Chân nhân. Nhạc thấp kém thô bạo rất có hại, nhất là cho phần thấp của hào quang và thể xác.
Việc nghiên cứu cho tôi thấy nhạc là một uy lực dũng mãnh trong tay nhạc sĩ. Nó nâng cao và làm ta giác ngộ hay làm ta xấu xa hơn tùy theo tính chất loại nhạc, tư tưởng, ảnh hưởng và tính tình của người trình diễn lẫn người nghe.
Hẳn đó là chuyện tự nhiên vì âm thanh sáng tạo nên vũ trụ và những gì trong đó, rồi hàng ngũ thiên thần âm nhạc nương theo các thiên ý mà xếp đặt vật chất làm thành nhiều cảnh giới. Hon nữa ta cũng tin được rằng trong khi trình diễn, mỗi nhạc sĩ chân chính liên kết được với thiên thần âm sáng tạo, và trở thành con kinh cho ảnh hưởng nâng cao của họ. Vì vậy nhạc sĩ có thể được xem là tác nhân hữu hiệu qua đó năng lực sáng tạo tuôn vào thế giới và sự sống của người, mà kết quả còn hơn nữa khi lực mang nét tinh thần. Tuy thế cần nhớ rằng giống như sự sáng tạo vũ trụ, các đại thiên thần và thiên thần âm nhạc chỉ dự vào loại nhạc thanh khiết, cao đep nhất.
Nhiều thiên thần khác cũng thấy rõ là có liên hệ với âm nhạc, đặc biệt là những vị can dự vào cái mà tôi gọi là hình học sáng tạo, theo quan niệm triết lý của Plato là Thượng Đế sinh ra thế giới theo phép hình học. Tâm thức các ngài phần lớn chỉ sinh hoạt ở cõi trí mà thôi. Thiên thần dự vào việc sinh ra những hình kỷ hà phức tạp, liên kết với sự biểu lộ Thiên Ý nơi cõi vật chất khi âm phát ra. Nhà soạn nhạc và nghệ sĩ trình diễn cũng tiếp xúc với các vị, và có lẽ những nhân vật cao cả đã và sẽ được gợi hứng không phải chỉ từ chân nhân bất tử của mình, mà còn từ các thiên thần này.
Khi tâm trí tiếp xúc được với các ngài, biểu biết đến từ bên trong thay vì đi vào từ bên ngoài. Việc xẩy ra cũng không phải do thông nhĩ, vì ta không nghe một âm huyền bí nào. Trong lúc tiếp nhận, người ta cảm biết chỉ dạy từ ngoài đi vào trí não, dù vậy, mối liên lạc tâm linh tinh thần thực ra được khơi từ bên trong trí não người nhận. Nó tương tự như thầy hỏi trò:
- Con có thấy ngọn hải đăng kia không? Và được trả lời
- Vâng con thấy ngọn hải đăng và cùng lúc cả ánh sáng chiếu ra từ bên trong nó.
Quan sát bằng thông nhãn cho tôi thấy là âm thanh phát ra ở cõi trần có tính sáng tạo, sinh ra chuyển động, mầu sắc, và hình thể bằng chất liệu tình cảm và trí tuệ. Trong một buổi họp mặt và được nghe người bạn hát bài Ave Maria, tôi thấy một thiên thần xinh đẹp với mầu chính là xanh dương nhưng cũng có màu do bài hát sinh ra, lượn trong không chừng 70cm đằng sau và hơi về phía bên trái của ca sĩ, đâu cũng cách khoảng y vậy với đầu của cô. Thiên thần cảm ứng với nhịp của bài, trọn hào quang gợn uốn theo nhịp. Một ngôi sao năm cánh sáng rực nằm trên trán thiên thần, ngài ban ân lành cho ca sĩ, và qua đó, lan vào cử tọa. Tôi đoán thiên thần ở trong nhóm làm việc dưới quyền của Đức Mẹ, vì vậy mang ân lành của Ngài đến cử tọa qua ca sĩ.
Hào quang của bốn người hiện diện nơi đây bắt đầu nhuộm phía trước với màu xanh của Đức Mẹ. Nó rực rỡ và không thể vẽ cho bằng, hết sức sâu đậm, làm như chiếu sáng từ bên trong và hào quang chúng tôi bừng lên do ảnh hưởng đó. Trong lúc tả lại, tôi kính cẩn ý thức là vào buổi họp đặc biệt này, Đức Mẹ đã làm cho Chân nhân chúng tôi cảm biết được sự hiện hữu tuyệt vời của Ngài. Tôi nghĩ mình có thể nói khá đúng là theo mức độ đáp ứng, những ảnh hưởng trên cũng sẽ sinh ra cho bất cứ nghệ sĩ trình diễn và cử tọa nào nghe bài hát đẹp đẽ này, dĩ nhiên là phải kể đến thái độ bài bác tôn giáo và không tin sự hiện hữu của Ngài. Những ý trên có trong hào quang người, gần cho ra phản ứng tiêu cực nhưng không ai là hoàn toàn không đáp ứng với bản nhạc.
Trong lúc bản nhạc được tiếp tục trình diễn, tôi thấy nó thu hút được thiên thần, làm các vị chú ý, như thế có nghĩa tâm thức thiên thần hòa theo ý niệm hướng về Đức Mẹ Thế Giới. Ở những cảnh giới cao, màu áo xanh tuyệt đẹp của Đức Mẹ hóa rõ hơn cũng như sự hiện diện của những thiên thần đường bệ cùng màu đó. Tôi thấy họ chú ý tới phần nhạc thuần túy và chủ đích của nhạc sĩ cùng nghệ sĩ trình diễn, hơn là tới chính cá nhân nghệ sĩ hay cử tọa. Rất có thể là mỗi người riêng rẽ, nhất là phụ nữ, có thể nhận được sự giúp đỡ của các thiên thần.
Tôi cho rằng bản nhạc này là cái nối liền giữa thế giới bên trong và thế giới bên ngoài, và do đó buổi trình diễn hôm nay đầy tính chất tinh thần. Không có cách chữa trị nào tốt hơn cho phụ nữ trong lúc phiền muộn, đau ốm hay có những nhu cầu khác, cho bằng dự buổi trình diễn loại nhạc đẹp đẽ như bài Ave Maria, tuy rằng ảnh hưởng luôn luôn tùy thuộc phần lớn vào tâm tưởng và khả năng bên trong của người trình bầy.
Có trường hợp lạ lùng tôi thấy nhạc có khả năng gợi lại quá khứ ghi trong Thiên Ảnh Ký (Akashic Records). Khi nhạc thuộc về một quá khứ có tính chất sâu đậm, rõ ràng, được trình bày, nó làm người có khả năng quan sát thấy lại được qúa khứ có liên hệ đến nhạc. Trong trường hợp này tôi thấy một nhóm người giống như dân du mục đang nhẩy múa trong vườn và xa hơn nữa.
Ở bên ngoài ngôi nhà và đằng sau cửa sổ tôi thấy họ có điệu nhảy cuồng loạn, khác với ý chính của bản nhạc. Dường như nó có liên hệ chi đó với đời sống của nhóm du mục đông đảo, huyền bí, ăn mặc sặc sỡ, giờ đang quay tít tràn khắp chung quanh. Khoảng hơn chục người tỏ ra thật hứng chí, ca hát, gào to trong lúc nhẩy. Cảnh liên hệ đến hồi ức của nhạc.
Như vậy hiển nhiên là nhạc xưa có hồi ức của nó, và khi chơi bản nhạc như vậy, sự việc gợi nên cái hồi ức trong chất akasha quanh buổi diễn, làm nó phát ra vài hình ảnh ban đầu. Chuyện sẽ rất quan trọng khi nhạc thuộc loại tinh thần sâu đậm, có tinh huyền bí, vài bản như vậy rất xưa, khi chơi lại chúng sinh ra trong akasha vài biến cố và không khí của bản nhạc hồi nguyên thủy. Tôi cho là thánh ca, kinh cầu, bài xướng đều cũng có ảnh hưởng trên akasha.
Chẳng hạn trong một dịp khác khi bản thánh ca chấm dứt, tôi thấy mình thay vì trong phòng ở nhà chỗ nghệ sĩ đã hát, lại đang đứng trong một vương cung thánh đường to lớn cổ xưa với nhiều thiên thần. Tôi đứng chỗ ban đồng ca, với bàn thờ chiếu sáng ở cõi trí thành khung cảnh kỳ diệu bao quanh chúng tôi trong nhà thờ. Cũng có ban đồng ca đang hát và các thiên thần uy nghi đáp ứng lại khúc hát của ban. Bàn thờ rực lên ánh vàng chói và buổi ca chầu diễn ra hết sức tuyệt vời.
Vương Cung Thánh Đường đầy gần hết chỗ, bây giờ tôi thấy các thiên thần nói trên thuộc ngành thiên thần liên hệ với loại nhạc này. Bài hát vừa chấm dứt đã làm chúng tôi đi ngược thời gian trong Akasha, khiến tôi thấy mình đang ngồi trong Vương cung thánh đường oai nghi, cổ kính, với đầy đủ giáo dân ở đâu đó vùng Trung Âu, có thể là miền nam nước Đức. Bản nhạc hát ở nhà hiện đang được ca đoàn xướng lên, ca đoàn tập hợp rất đông, có vài người già, một số giọng trầm, cùng với các chú nhỏ ở hai bên lối đi.
Như vậy, đây là cơ hội tuyệt diệu mà tôi có đặc ân được nối kết lai với thời điểm mà bản nhạc nằm trong ký ức của giáo dân dự lễ.
Bây giờ khi tôi lần lần cố ý rút tâm thức khỏi kinh nghiệm đầy hứng khởi và hoàn toàn mới mẻ này, thấy rõ ràng là nhạc nối ta với quá khứ, và bằng cách nào đó, gợi nên trong Akasha làm hiện trở lại những cảnh ban đầu hồi bản nhạc được trình diễn.
Quan sát trong một buổi hát khác cho thấy là ảnh hưởng của nhạc lên cử tọa tùy thuộc vào số nhạc khí và âm lượng. Có nghĩa năng lượng sinh ra ở cõi tình cảm và cõi trí và hình sinh ra có khuynh hướng tràn vào, chảy xuyên qua hào quang của người nghe trong vòng ảnh hưởng. Với ban đại hòa tấu, kết quả cho ra có thể rộng hằng mấy trăm thước, tạo một hình âm nhạc hết sức kỳ thú trong không trung.
Trong một hình như thế, mỗi nốt nhạc vang lên ở cõi trần có nốt tương ứng cùng tần số ở những cõi khác, nên khi một nốt được tấu lên gây âm vang thì những nốt tương ứng đó cũng vang lên, đóng góp vào hình âm nhạc. Thành ra bây giờ tôi hiểu vì sao có nhiều mầu khác nhau không ứng với một nốt riêng rẽ nào, mà là của nốt tương ứng phản ảnh nơi cõi cao, làm hình một nốt hóa phức tạp.
Ở một buổi trình diễn thánh ca khác, bài Pie Jesus của Fauré, khi mới bắt đầu tôi thấy một thiên thần xuất hiện nơi cửa. Tôi tự động cúi người chào nhưng phải quay lại chú tâm vào hình âm nhạc, tuy vậy tôi biết ngài vẫn đứng đó.
Tôi nhận ra là thiên thần thuộc về ngành liên hệ với nguyên lý nữ và sinh hoạt tôn giáo, dưới quyền Đức Mẹ. Vì vậy hào quang của ngài có mầu xanh áo Đức Mẹ nổi bật.
Thân ở giữa của thiên thần cao gần 3m, đầu và vai phủ bởi những vòng đồng tâm nhiều mầu sắc túa năng lực ra ngoài. Hào quang mầu vàng óng gần đầu và vai một khoảng hơn 30cm, rồi có mầu hồng một khoảng chừng 15cm, ra xa nữa là sắc xanh rực rỡ. Đầu là trung tâm uy lực, giữa đầu một đường lực hình nón phóng thẳng đứng lên trên, mầu chính là trắng và tím nhạt.
Hào quang của thiên thần lan ra bên ngoài tường, bên trên trần nhà và đi sâu qúa sàn nhà. Tôi cho rằng một trong những nhiệm vụ của ngài là tuôn năng lực mà ngài là trung gian, vào tâm thức và hào quang của cử tọa, những ai có thể đáp ứng lại ảnh hưởng của Đức Mẹ và uy lực tinh thần của hạng thiên thần này. Trong tâm tưởng ngài, Đức Mẹ ôm trọn toàn thể nhân loại vào lòng, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Hệ thống tương giao giữa tâm thức cao và thấp thành hình bất cứ khi nào có lực thích hợp được phóng thích vào thế giới hình thể. Hình sinh ra do tâm thức, tư tưởng, và chủ ý của việc hát và phần âm nhạc. Tới đây tôi ý thức là tên bản thánh ca nói lên cái tương giao ấy, cái mà ta có thể coi là ảnh hưởng của nhạc trên người nghe. Tùy theo phản ứng và nhận thức của mình, cử tọa chẳng những được thúc đẩy về mặt nào đó của cá tính mà còn được các thiên thần nhất là thiên thần nhạc hỗ trợ thêm.
Tôi hỏi thiên thần:
- Nhạc có gợi nên phản ứng nào trong đức Jesus không? Ngài đáp:
- Dĩ nhiên là có, nhưng Chân Sư không có liên hệ đặc biệt với nguyên lý nữ như Đức Mẹ, hay với việc làm mẹ. Ngài bận tâm cho công việc của Thái Dương Thượng Đế nói chung, làm việc nhiều hơn điều ta biết về Ngài. Thành ra Chân Sư có khuynh hướng lưu tâm đến lòng sùng kính dâng lên Ngài hơn.
- Chính Đức Jesus có đáp ứng chăng khi bản nhạc với tựa là tên Ngài được chơi?
- Có, nhưng nó tác động bên trong người nghe, thay vì bên ngoài, tâm và trí được giúp tỏ ngộ nếu người nghe có thể đáp lại cả ở cõi trần lẫn cõi cao. Như vậy Chân Sư đáp ứng ở những cõi trừu tượng, trong nội tâm hơn là thấy được ở ngoại giới, cõi hữu hình.
Hỉển nhiên Đức Mẹ Thế Giới cũng làm như vậy, dùng hàng ngũ thiên thần để ảnh hưởng và soi sáng nhân loại, truyền đến con người cái tình mẫu tử, lòng tận tụy bao la, xả kỷ. Tôi cho là Đức Mẹ vừa trực tiếp, vừa qua các thiên thần, giữ cho mối liên hệ giữa Ngài và nhân loại mà Ngài hằng yêu mến, che chở, được liên tục không đứt đoạn. Chuyện đặc biệt hơn nữa khi có liên hệ đến việc sinh nở, trẻ con, và việc làm cha, làm mẹ. Trong khi lắng nghe và quan sát hình âm nhạc, tôi ý thức đó chỉ là một phần trong công việc chăm sóc nhân loại của Ngài.
Để kết luận, một trong những ảnh hưởng của âm nhạc là làm gợi dậy bên trong người nghe những tâm thức ứng hợp, từ thô bạo đến cõi mỹ lệ và chân lý, tùy theo khả năng đáp ứng của họ đối với tác động của thiên thần. Bởi vậy nhạc đẹp đẽ là vận cụ tuyệt hảo để kích thích sự thức tỉnh ở cõi cao, cải thiện và thanh tẩy cái ngã, cùng tăng gia đáp ứng về mặt tinh thần.
Âm nhạc nào khích động phần bản tính thấp của con người có thể hóa rất độc hại, trong khi thánh ca, nhất là những bản liên hệ đến Đức Jesus và Đức Mẹ, kêu gọi được ân lành và sự hồi đáp của thiên thần. Những loại nhạc khác gợi nơi người nghe trong tâm họ ý hồi đáp của bậc cao cả và chư thiên. Câu nói sau quả đã trình bày chân lý. Nhạc hay là lời Thượng Đế ngỏ cùng linh hồn ta.
Một nguyên lý thích thú nẩy sinh từ những quan sát này. Ấy là nhà soạn nhạc sinh ra và củng cố hình tư tưởng của bản nhạc, một phần do việc tâm thức của ông làm việc trong lúc soạn nhạc, một phần do việc ông trình diễn tác phẩm của mình. Có nghĩa là hình tư tưởng của bản nhạc là vật biểu lộ bằng chất liệu thanh bai một phần ý tưởng sáng tạo cùng hứng khởi của ông, một phần là ảnh hưởng của âm vật chất sinh ở cõi trần tác động lên cõi thanh.
Ý tưởng của nhà soạn nhạc và tác động siêu hình của nhạc kết hợp lại sinh ra hình nguyên thủy, có chứa đựng sức sống và tâm thức của chân nhân ông, cái là linh hồn của bản nhạc và là một thực thể tương đối trường tồn. Cho nên bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào bản nhạc được trình diễn, người ta thông thương được tức khắc với hình và qua đó với sức sống và tâm thức của người nhạc sĩ.
Dùng các nguyên tắc của khoa linh thị (psychometry) khi có buổi trình diễn như vậy, người quan sát có thông nhãn có thể tiếp xúc với hình nguyên thủy và tác giả. Và dù hữu thức hay không, người trình diễn tự động liên lạc được với nhà soạn nhạc. Xem ra mức độ thành công khi chơi một bản nhạc, tùy thuộc vào khả năng của nhạc sĩ trong việc tiếp xúc và diễn tả lại, sức sống cùng tâm thức của nhà soạn nhạc, và qua đó, ngụ ý của ông.
Chất liệu cõi tình cảm rung động thành lượn sóng màu, do đáp ứng trực tiếp với bất cứ nốt nào làm vang lên âm thanh cõi trần. Khi nhiều âm được tạo, xếp đặt thành bản nhạc, ý tưởng vừa tình cảm vừa trí tuệ của nhà soạn nhạc, rồi sau này của người chơi nhạc, cung cấp lực cần thiết để sinh ra hình rõ ràng. Người có thông nhãn thấy được hình ấy và nó tồn tại một thời gian dài đáng kể sau khi bản nhạc đã chơi xong.
Geofrey Hodson
(Clairvoyance Investigations)